Trên thế giới, ngành Công tác xã hội ra đời và phát triển vài thế kỷ, nghề công tác xã hội được công nhận là một nghề chuyên nghiệp, tuy nhiên ở Việt Nam đang trong quá trình phát triển. Nhân kỷ niệm ngày công tác xã hội 25/3, xin điểm lại quá trình hành thành và phát triển trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Công tác xã hội ra đời tại Anh vào cuối thế kỷ 19, do cuộc cách mạng công nghiệp mà nước Anh phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội trầm trọng. Vì vậy cần có những chính sách, hoạt động giúp đỡ của Nhà nước và những người tham gia tình nguyện đã hình thành nên nghề công tác xã hội. Nổi bật nhất là sự ra đời của Hiệp hội các tổ chức từ thiện được thành lập vào năm 1869 tại Luân Đôn nước Anh. Những đóng góp của Hiệp hội các tổ chức từ thiện này đã đặt nền tảng cho hoạt động Ngành công tác xã hội chuyên nghiệp sau này. Hoạt động của Hiệp hội các tổ chức từ thiện bắt đầu từ Luân Đôn và phát triển rộng khắp nước Anh, su đó phát triển sang cả nước Mỹ dưới dạng Công tác xã hội sơ khai được thực hiện bở các nhà truyền giáo và tình nguyện. Vào năm 1877, Tổ chức từ thiện xã hội được thành lập tại Mỹ và đến năm 1898 Hiệp hội tổ chức từ thiện lần đầu được tổ chức tại Mỹ. Đến năm 1901, tại New York (Mỹ) trường Công tác xã hội đầu tiên ra đời. Từ năm 1955, Hội những nhân viên Công tác xã hội quốc gia được thành lập. Đến nay, có gần 100 quốc gia trên thế giới ở khắp các châu lục đã công nhận nghề công tác xã hội là một nghề chuyên nghiệp. Tại Việt Nam, ngành CTXH được hình thành muộn hơn so với các nước phát triển trên thế giới. Trước đây, các hoạt động CTXH được quan niệm là phong trào hoạt động của các đoàn thể tham gia công tác từ thiện, các thành viên làm CTXH với tính chất tự phát. Tới năm 2010 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển nghề “Công tác xã hội” đã đánh dấu một mốc mới quan trọng của ngành CTXH tại Việt Nam. Ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25/3 hằng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam. Từ đó, công tác xã hội đã chính thức được công nhận là một ngành nghề chuyên nghiệp.

Đây cũng là dịp để nhìn nhận, đánh giá tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, đồng thời góp phần phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” và tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn và phát huy vai trò của người làm công tác xã hội để cùng nhau hướng tới một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.